Đừng quên “10 không” để tránh mất tiền oan khi gửi tiền tiết kiệm (phần 1)

  • 11/08/2017
  • 11544 VIEWS

Gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là lựa chọn tốt nhất giúp bạn quản lý tài chính cá nhân an toàn, tuy nhiên bạn đừng quên “10 không” sau để tránh mất tiền oan.

Đừng quên “10 không” để tránh mất tiền oan khi gửi tiền tiết kiệm (phần 1)

1. Sai lầm không mở sổ tiết kiệm tại quầy

Một số ngân hàng hiện nay đang áp dụng rất nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng Vip, khách hàng thân thiết. Do vậy, nếu có nhu cầu, bạn hoàn toàn có thể mở sổ tiết kiệm theo nhiều cách thức khác nhau như: nhân viên tín dụng đến tận nơi mở sổ tại nhà hoặc tại bất cứ chỗ nào khách hàng cảm thấy thuận tiện. Tuy nhiên, không phải bất cứ mọi giao dịch nào cũng đều an toàn. Chúng tôi khuyên bạn tốt nhất nên mở sổ tiết kiệm tại quầy giao dịch/ chi nhánh để tránh rủi ro có thể phát sinh trong trường hợp nhân viên giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc không đưa tiền về ngân hàng... Khi đến làm việc tại quầy giao dịch bạn sẽ được camera ghi hình, đây là bằng chứng rất quan trọng chứng minh bạn có giao dịch và ngân hàng sẽ phải công nhận, giải quyết các vấn đề thắc mắc phát sinh (nếu có). Hơn nữa, nếu là khách Vip, thân thiết khi đến làm việc tại ngân hàng bạn còn được tạo điều kiện làm thủ tục nhanh chóng hơn.

2. Không cho nợ sổ hoặc nhờ giữ sổ tiết kiệm

Tuyệt đối không cho nợ sổ hoặc nhờ nhân viên giữ sổ tiết kiệm hộ, chỉ vì tin tưởng. Bạn và nhân viên có thể quen biết nhau sau nhiều lần thực hiện giao dịch, tuy nhiên điều đó không chắc chắn 100% rằng số tiền bạn gửi tiết kiệm được an toàn tuyệt đối. Thực tế, có rất nhiều nhân viên ngân hàng đã bỏ trốn hoặc bị sa thải do chiếm đoạt toàn bộ số tiền tiết kiệm của khách hàng Vip, thân thiết.

3. Không ký sẵn chứng từ

Với bất kể lý do gì, dù được nhân viên tín dụng tư vấn gợi ý ký trước chứng từ tạo điều kiện thuận lợi, đỡ mất thời gian cho các giao dịch sau, thậm chí ngay kể cả trong trường hợp vì lý do cá nhân (ví dụ đi công tác vào ngày đáo hạn sổ tiết kiệm) bạn cũng tuyệt đối không nên ký trước. Bởi cách làm này có rất nhiều rủi ro “tiền mất tật mang”, đôi khi vô tình bạn là nạn nhân của những kẻ lừa gạt.

4. Không quên kiểm tra lại thông tin trên sổ tiết kiệm

Kiểm tra sổ tiết kiệm lần cuối trước khi rời khỏi phòng giao dịch là điều bất kỳ ai cũng nên làm để phòng tránh trường hợp sai sót gây rắc rối cho thanh toán về sau hoặc cũng không ngoại trừ đề phòng trường hợp nhân viên cố ý làm sai nhằm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, một số mục như: tên người gửi, số tiền ghi trên sổ (bằng chữ, bằng số), thời hạn gửi, lãi suất, dấu của ngân hàng, chữ ký nháy của giao dịch viên, kiểm soát viên và chữ ký của giám đốc ngân hàng...

5. Không lơ là trong quá trình làm thủ tục, quy trình tất toán sổ

Trong quá trình làm thủ tục, quy trình tất toán sổ khách hàng cần chú ý để nắm bắt được thông tin cụ thể, rõ ràng. Ví dụ, trường hợp bạn mở nhiều sổ tiết kiệm, trong đó có những sổ tiết kiệm số tiền gửi giống nhau đều 100 triệu đồng, đều có thời hạn gửi 6 tháng, nhưng chỉ khác nhau về ngày gửi (1 sổ gửi tháng 3, 1 sổ gửi tháng 5), khi đến ngày đáo hạn nhận lãi bạn cần phải chú ý chọn đúng sổ bởi 2 sổ khá giống nhau, rất dễ nhầm lẫn. Việc nhầm lẫn này có thể khiến bạn mất một khoản tiền lãi không nhỏ.

Bởi Ngân Hàng

Bài viết mới hơn:
Bài viết cũ hơn: